Trang chủ > Bình Luận, Người dân lên tiếng > Ba điều ước 30 tháng 4

Ba điều ước 30 tháng 4

LTCG (30.04.2011)

Công việc hòa giải và yêu thương, tuy đặt ra chung cho mọi người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên trái đất này, nhưng nó phải và chỉ có thể thực hiện trước hết ở ngay trên mảnh đất Việt Nam.

Tôi vốn chỉ quen với hai chuyên môn hẹp, một là, dạy tiểu học và soạn sách bậc tiểu học, một việc nhỏ nhưng tôi vô cùng gắn bó; và hai là, rất nhiều khi viết văn, dịch sách, làm thơ, nhân ngày 30 tháng 4 liều viết đôi lời, như một bộc bạch tấm lòng công dân.

Ba điều ước hồn nhiên

Có một hành động của tôi vào năm 1976 cứ nghĩ sẽ giữ kín mãi, sống để bụng chết mang đi, nay xin thổ lộ: Năm đó, vào đúng ngày 30 tháng Tư, ngồi một mình, nghĩ ngợi lẩn thẩn thế nào, lại viết một lá thư gửi một người tôi tin là đồng chí đó sẽ thừa hiểu mấy điều “vô cùng hợp lý”.

Xin nói luôn là thư của tôi không có hồi âm.

Nội dung thư của tôi mang ba kiến nghị như sau:

Kiến nghị thứ nhất, xin xóa thuế nông nghiệp cho nông dân trong vòng 20 năm. Hai mươi năm xóa thuế không chỉ có nghĩa là ban ơn hoặc tỏ lòng biết ơn. Mà đó là hai mươi năm tổ chức lại cuộc sống nông thôn. Cái mốc 20 năm là một thời hạn và cũng là một điều thách thức với ước mong thay đổi tận gốc cuộc sống của người dân quê quá đau khổ vì loạn lạc, đói kém, và ít học.

Kiến nghị thứ hai, xin đốt lý lịch toàn dân và “viết lại” tính từ ngày 1 tháng 5 năm của một năm nào đó. Sở dĩ có cái ý nghĩ dẫn tới kiến nghị này, là vì tôi thấy đâu đâu cũng khổ vì chuyện lý lịch. Con người bị phân biệt đối xử qua bản lý lịch. Và họ cũng đối xử phân biệt nhau qua bản lý lịch.

Về sau, khi đất nước đã mở cửa, tôi dạy tiếng Việt cho trẻ em tiểu học Trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội, nên có dịp đọc bản lý lịch của “Tây”, và thấy đề nghị của mình đúng, ít nhất là không sai. Bản lý lịch của “Tây” tính từ hôm nay ngược về trước (“anh có thể làm gì ngay lúc này?”) còn bản lý lịch của Ta đi từ ngày trước về hôm nay (“anh là con nhà ai, anh đã làm được gì?”).

Kiến nghị thứ ba, gợi ý Việt Nam chủ động yêu cầu Hoa Kỳ và Liên Xô từ nay chỉ gửi rất nhiều những thanh niên nam nữ sang giúp Việt Nam phát triển văn hóa, nghệ thuật. Kiến nghị này của tôi được đưa ra khi đó Liên Xô vẫn còn là ông khổng lồ hùng mạnh

Có thể bạn đọc thật quá dễ để chê trách tôi là người sống với ảo tưởng! Mắc tiếng ảo tưởng thì có sao? Bất kỳ ai biết đọc sách hẳn đều nhớ rằng cuộc cách mạng Pháp 1789 long trời lở đất, Tác giả viết hoa của cái Vật viết hoa đẹp đẽ nhất và cũng xấu xí nhất của loài người là cái máy chém, sau hàng chục năm đầu rơi máu chảy, cũng vẫn thích quay về với cuộc sống không có cái máy chém. Thử phân tích thêm, hẳn sẽ có ích cả cho mình, và biết đâu chẳng có ích cho người khác nữa?

Thói quen dạy học bắt tôi phân biệt giữa đề tài và chủ đề. Cái đề tài nằm trong lá thư gửi một cấp rất cao, nhưng thư đã không tới nơi, hoặc thư tới nơi mà không bõ xét giải quyết, cái đề tài đó là: Làm gì sau khi đất nước đã độc lập và thống nhất? Nhưng chủ đề của nó lại không chỉ dừng lại ở việc làm gì (đề tài) mà là làm cái gì đó để có cái gì (chủ đề)?

Trong một tác phẩm, một chủ đề bao giờ cũng là thứ ám ảnh nhà văn. Còn đề tài thì chỉ là những vật liệu, xây cái nhà thì nên cái nhà, xây cái lều vịt thì nên cái lều vịt. Vậy thì cái đề tài ám ảnh tôi ngay từ khi tôi gửi lá thư ám ảnh ba điều kiến nghị là gì? Đó là chủ đề về hòa giải và hòa hợp dân tộc như luồng gió ấm áp vẫn đang thổi mạnh dần trong mấy năm nay.

Để quay về Tổ ấm

Chỉ có điều là, chuyện hòa giải và hòa hợp dân tộc, nay là chủ để hòa giải và yêu thương, không thể diễn ra như trong những ảo tưởng tốt bụng, như trong những giấc mơ ban ngày, mà có lẽ phải cần hơn tới những góc nhìn thực tế.

Có thể thấy ngay từ đầu là, công việc hòa giải và yêu thương, tuy đặt ra chung cho mọi người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên trái đất này, nhưng nó phải và chỉ có thể thực hiện trước hết ở ngay trên mảnh đất Việt Nam. Nếu ngay trên mảnh đất Việt Nam này mà những con người tại chỗ chúng ta chưa chung tay xây đắp nên những nền tảng của tinh thần đó, thì mọi điều ước sẽ chỉ là ảo tưởng.


Ngay con em những người xa xứ ít học nhất khi xưa thì nay cũng đã quen sống trong nền văn hóa văn minh của nhiều quốc gia. Họ không chỉ nhìn thấy, nghe thấy, mà chính họ thừa hưởng, và họ cũng có nhận thức của riêng mình.Đàn con chỉ quay về tổ khi thấy cái tổ đó là tổ ấm. Cái tổ đó thực sự là nơi có độc lập, tự do, hạnh phúc như ở mọi nơi con dân nước Việt đang sống, đúng với cái chuẩn mực của Tổ quốc Việt Nam tuyên ngôn trong ngày 2 tháng 9 năm 1945. Còn không, thì bây giờ thời toàn cầu hóa, ngã đâu là nhà, đăng ký đâu là giường, “phận lưu vong” bây giờ cũng không như đầu thế kỷ trước nữa. Nói cách khác, hòa giải và yêu thương trong thời đại hội nhập này là việc của thực lực, không còn là việc tuyên truyền hay kêu gọi.

Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn cứ thấy ba điều kiến nghị- ba điều ước xưa, cách nay hơn ba mươi năm hình như vẫn rất gần.

Bất kể ai trong chúng ta, trẻ cũng như già, nam cũng như nữ, nông thôn hay thành phố- vẫn đang cần một cuộc “đốt lý lịch” thực thụ. Sao cho sự thăng tiến trong cuộc đời không lệ thuộc vào bất kỳ điều gì ngoài năng lực của chính mình.

Hy vọng, con người Việt Nam chúng ta sẽ dựng một quảng trường hòa giải và yêu thương đẹp uy nghi hơn cả quảng trường Concorde (Paris- Pháp).

Phạm Toàn

Theo: Hãy dành thời gian

  1. Không có bình luận
  1. 30.04.2011 lúc 21:03

Bình luận về bài viết này