597 – Những tác giả Mỹ-Việt viết về phản chiến gặp nhau?

chan-tran-chi-thep_jpga.jpg

Bìa cuốn sách “Chân trần chí thép”. Biên dịch: Đỗ Hùng.

‘Nỗi buồn chiến tranh’ truyền cảm hứng cho tác giả Mỹ

Tác giả ‘Chân trần, chí thép’ cho biết, tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Bảo Ninh tác động mạnh đến nhận thức của ông về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tác phẩm này cũng là một trong những nguồn cảm hứng giúp ông viết nên cuốn sách của mình.

Nhân chuyến đến Việt Nam ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn Bare feet, Iron will (Chân trần, chí thép, First News và NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành, người dịch: Đỗ Hùng), cựu trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt dành cho Evan.VnExpress.net buổi trò chuyện.

– Ông tham chiến ở Việt Nam trong lực lượng hải quân Mỹ cuối thập niên 60, đầu thập niên 70. Sau chiến tranh, nguồn cảm hứng nào khiến ông bắt tay thực hiện cuốn ‘Chân trần, chí thép” ca ngợi ý chí của người lính Việt?

– Không chỉ có tôi tham chiến ở Việt Nam mà cha tôi – người từng là Đô đốc Hải quân Mỹ, đặc trách lực lượng duyên hải và đường sông thời chiến tranh Việt Nam, cũng là người phát động chiến dịch rải chất độc hóa học tại Việt Nam. Anh trai tôi cũng tham chiến và sau đó qua đời vì bị ung thư, hậu quả của việc phơi diễm chất độc hóa học.

BFIW-cover-image-Final-400x.jpg

Bản tiếng Anh của “Chân trần, Chí thép”.

Từ bi kịch gia đình, cùng với trải nghiệm của bản thân, trở về nước sau khi Mỹ thất bại ở Việt Nam, có lúc, tim tôi chứa đầy nỗi uất hận. Sau chiến tranh, cha tôi trở lại Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh. Có lần ông đã thuyết phục tôi cùng đi nhưng tôi từ chối.

Đến năm 1994, lần đầu tiên, tôi đồng ý quay lại Việt Nam. Khi bước xuống máy bay, trước một TP HCM mới, sôi động, ký ức của những năm 1969, 1972… khi tôi đến Việt Nam chợt ùa về. Tôi nhen nhóm ý định viết một cuốn sách để ghi lại khoảng thời gian khó quên trong cuộc đời mình.

– Từ ý tưởng nào ông đặt tên sách là “Chân trần, chí thép”?

– Ngày trước, bộ đội Việt Nam có câu khẩu hiệu là “Chân trần, lưng khỏe” để miêu tả sức vóc người Việt nhỏ bé nhưng có ý chí sắt đá và có thể làm mọi việc trong chiến tranh. Tôi mượn cách nói này để đặt cho sách của mình cái tên “Chân trần, chí thép”, nhằm thể hiện sự quyết đoán và mạnh mẽ của người Việt.

Chan-tran-chi-thep-062.jpg

Tác giả James G. Zumwalt ký tặng vào sách “Chân trần, chí thép” ngày ra mắt sách ở TP HCM. Ảnh: Thoại Hà.

* Ảnh: Tác giả James G. Zumwalt ngày ra mắt sách tại TP HCM

– Cuốn sách của ông chứa nhiều tư liệu về Việt Nam. Là một doanh nhân bận rộn, lại cách trở địa lý, làm thế nào ông hoàn thành sách?

Tôi chỉ mất 8 tháng để hoàn thành bản thảo cuốn sách. Nhưng để viết ra nó là cả một quãng thời gian dài. Tôi phải bay đi bay về giữa Việt Nam và Mỹ hơn 50 lần. Mỗi chuyến đi tôi đều cố gắng tìm nhiều tư liệu liên quan về cuộc chiến, gặp gỡ phỏng vấn hơn 200 người để có cái nhìn toàn diện hơn so với hiểu biết của mình.

– Sách của ông gần với dạng tư liệu lịch sử. Vậy lý do gì khiến ông dành hẳn một phần viết cảm nhận về nhà văn Bảo Ninh và tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”?

– Tôi rất thích tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đọc cuốn sách này là Bảo Ninh đã làm một việc mà chưa ai làm trước đây khi đề cập về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam với góc nhìn khác, rất nhân văn, cảm động. Tôi đánh giá cao vai trò của Bảo Ninh trong việc giúp độc giả Mỹ và Việt Nam hình dung về một giai đoạn lịch sử và hiểu thêm chiến tranh ở cả hai phía. Dù ông là một nhà văn chứ không phải là một sử gia, dù ông viết tiểu thuyết chứ không ghi chép sử, những trang văn của ông rất quan trọng khi đã kể lại một câu chuyện chân thực về hậu quả của chiến tranh.

v.jpg

Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” mang lại nhiều cảm hứng và xúc động cho tác giả Mỹ.

– Điều gì khiến ông ấn tượng với tác phẩm của Bảo Ninh?

– Tôi cảm thấy mình đồng cảm sâu sắc với với nhân vật Kiên trong cuốn tiểu thuyết. Đó là một người lính trẻ, thể hiện hết trách nhiệm của anh ta đối với đất nước. Nhưng khi trở về với cuộc sống riêng, anh ta lại bị cuộc chiến ám ảnh và tác động sâu sắc. 

Tôi cảm nhận được Kiên và Bảo Ninh đều có hoàn cảnh giống nhau. Đọc sách của ông là một cách để tôi đi sâu vào khía cạnh khác của chiến tranh mà khó có tài liệu nào có thể thay thế được.

Chan-tran-chi-thep-072.jpg

Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè trong ngày ra mắt sách “Chân trần, chí thép” ở TP HCM, ngày 21/4. Ảnh: Thoại Hà

– Khi “Chân trần, chí thép” phát hành ở Mỹ, các đồng đội, người từng cùng ông tham chiến ở Việt Nam, đón nhận sách như thế nào?

– Nhiều bạn bè của tôi thích cuốn sách vì nó giúp họ nhìn lại và hiểu hơn về những gì mà họ từng trải qua trong cuộc chiến. Nhưng cũng có người phản đối dữ dội, họ cho là tôi bênh vực kẻ thù của họ. Tôi giải thích với họ, tôi không hề muốn tán tụng ai mà chỉ muốn nhìn nhận khía cạnh nhân văn của cuộc chiến. Những người chỉ trích chỉ là những người cảm thấy rất khó khăn để buông bỏ được quá khứ.

– Sau “Chân trần, chí thép”, ông còn những kế hoạch gì tại Việt Nam? 

– Tôi sẽ tiếp tục tìm tư liệu, gặp gỡ thêm nhiều nhân vật để viết cuốn sách thứ hai về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tôi chưa thể nói trước đó là cuốn sách như thế nào, được viết theo dạng ghi chép tư liệu, hay tiểu thuyết, tập truyện ngắn… Tất cả còn tùy thuộc vào nguồn tài liệu tôi sưu tầm được.

Ngoài ra, mới đây, tôi vừa đọc tin trên báo Mỹ và biết rằng nhà sản xuất phim nổi tiếng của Mỹ là Ken Burns và hãng Florentine Films đang có ý định sản xuất phim tài liệu về các cuộc chiến tranh trên thế giới, trong đó có chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hãng này có ý định dựa vào cuốn sách của tôi để thực hiện phim. Nếu điều này thành hiện thực, tôi sẽ hỗ trợ họ thực hiện các cuộc phỏng vấn nhiều nhân vật tại Việt Nam. Bộ phim dự kiến ra mắt vào năm 2016.

Trong chuyến đến VN lần này, tôi cũng có trao quà và tiền cho một vài cựu binh Việt Nam. Trong tương lai, tôi hy vọng có thể có thể làm thêm nhiều điều nữa để giúp cho nạn nhân chất độc dioxin của đất nước các bạn.

Thoại Hà 

> > Cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ đến VN ra mắt sách

____________________________

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ