✴️ Xẹp phổi

Nội dung

Xẹp phổi xảy ra khi các đường dẫn khí hay các phế nang bên trong phổi bị xẹp hoặc không thể giãn nở tối đa. Xẹp phổi thường có thể hồi phục được. Tuy nhiên nếu như không được điều trị thì nó có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Xẹp phổi có thể chỉ ảnh hưởng một phần phổi hoặc ở cả hai phổi và có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra xẹp phổi.

Khoảng 90% người được gây mê tổng quát khi phẫu thuật sẽ bị xẹp phổi sau đó.

Đôi khi xẹp phổi còn được gọi là xẹp phổi một phần hoặc xẹp phổi toàn phần.

Bài viết này sẽ đưa ra các thông tin về phân loại, nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của xẹp phổi.

Phân loại

Xẹp phổi được phân thành 4 nhóm dựa vào nguyên nhân gây ra.

Nhóm không tắc nghẽn

Các loại xẹp phổi không tắc nghẽn bao gồm:

  • Chèn ép: Do tăng áp lực lên phổi.
  • Dày dính: Do rối loạn chức năng hoặc thiếu chất hoạt diện phổi. Chất này có dạng như xà phòng và có chức năng tạo nên sức căng bề mặt cho các phế nang, giúp chúng luôn thông mở.
  • Tạo xơ: Khi phổi bị tổn thương sẽ tạo nên sẹo xơ, làm cho thể tích phổi bị co giảm xuống.
  • Thụ động: Do sự mất liên kết giữa màng phổi thành ở thành ngực và màng phổi tạng ở phổi.
  • Xâm lấn: Do khối u lấp đầy hoặc chiếm chỗ của các phế nang.

Nhóm tắc nghẽn

Xẹp phổi do tắc nghẽn còn được gọi là xẹp phổi hấp thụ. Khi có tắc nghẽn xảy ra ở phổi, nơi bị tổn thương sẽ chỉ được thông khí một phần hoặc mất hoàn toàn thông khí nhưng việc hấp thụ khí ở máu vẫn tiếp tục xảy ra. Khi tất cả khí đã được hấp thụ thì các phế nang sẽ bị xẹp do tắc nghẽn không cho khí đi vào thêm nữa.

Nhóm hậu phẫu

Xẹp phổi hậu phẫu thường tiến triển trong 72 giờ khi được gây mê tổng quát, do gây mê làm thay đổi quá trình trao đổi khí ở phổi.

Nhóm cuộn tròn

Xẹp phổi cuộn tròn thường ít gặp hơn các nhóm còn lại.

Xẹp phổi xảy ra do các nhu mô phổi bị cuộn tròn vào trong màng phổi thành.

Khác biệt giữa xẹp phổi và tràn khí màng phổi

Mặc dù tràn khí màng phổi cũng có thể gây ra xẹp phổi nhưng chúng là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau.

Tràn khí màng phổi xảy ra khi có khí nằm giữa màng phổi thành và màng phổi tạng, dẫn đến tăng áp lực làm phổi bị xẹp theo.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra tùy thuộc vào xẹp phổi thuộc nhóm tắc nghẽn hay không tắc nghẽn

Không tắc nghẽn

Nguyên nhân gây xẹp phổi không tắc nghẽn bao gồm:

Phẫu thuật

Thuốc mê khi phẫu thuật có thể làm thay đổi hoạt động của phổi, cũng như sự trao đổi khí và thông khí, dẫn đến xẹp phổi.

Một vài loại phẫu thuật có thể làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn hoặc đau hơn, việc này gây ảnh hưởng đến sự trao đổi khí và thông khí. Khoảng 90% người được gây mê tổng quát bị xẹp phổi.

Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi xảy ra khi có dịch tích tụ giữa hai lớp của màng phổi, dẫn đến xẹp một phần hay toàn bộ phổi. Sự tích tụ dịch xảy ra khi có nhiễm trùng, các bệnh lý viêm hay khối u ác tính.

Tổn thương phổi

Tổn thương phổi hay tạo sẹo xơ ở phổi làm cho phổi bị co lại hay không thể giãn nở hết mức. Các bệnh như lao, xơ hóa, hay các bệnh mãn tính ở phổi khác sẽ dẫn đến tổn thương phổi.

Khối u

Khối u lành hay ác cũng có thể đè ép lên đường thở và nhu mô phổi gây ra xẹp phổi.

Rối loạn chất hoạt diện phổi

Sự thiếu hụt hay mất chức năng của chất hoạt diện có thể làm giảm đi sức căng bề mặt của các phế nang, làm cho chúng bị xẹp. Nguyên nhân thường do các bất thường do sinh non, bao gồm hội chứng suy hô hấp và hội chứng suy hô hấp cấp.

Bất thường đường dẫn khí hay nhu mô phổi

Bất thường ở đường dẫn khí hoặc nhu mô phổi thường gây trở ngại cho việc trao đổi khí, thông khí, sức căng bề mặt và sự liên kết giữa phổi và thành ngực.

Viêm màng phổi

Viêm màng phổi xảy ra khi màng phổi bị viêm trở nên thô và dính, chúng cọ dính vào nhau thay vì trượt nhẹ lên nhau khi hít vào và thở ra. Viêm màng phổi có thể gây ra do các bệnh lý viêm, nhiễm trùng, khối u hay các bệnh gây viêm khác.

Tắc nghẽn

Xẹp phổi do tắc nghẽn xảy ra khi có dị vật hay khối u gây tắc nghẽn cơ học tại đường dẫn khí hay làm tăng áp lực lên nhu mô phổi hoặc đường dẫn khí.

Các nguyên nhân thường gặp của xẹp phổi do tắc nghẽn:

  • Hít phải dị vật hoặc có dị vật vướng vào đường dẫn khí hay nhu mô phổi.
  • Khối u bên trong đường dẫn khí hay nhu mô phổi.
  • Đàm nhớt tích tụ thành một khối gây tắc nghẽn đường thở.

Triệu chứng

Nếu như chỉ xẹp phổi ở một phần nhỏ tại đường dẫn khí thì thường sẽ không có triệu chứng rõ ràng gì.

Tuy nhiên khi một phần lớn của phổi hay đường thở bị xẹp thì sẽ có thể có các triệu chứng sau:

  • Thở nông;
  • Ho;
  • Khò khè hay khó thở;
  • Sốt;
  • Mất hay giảm âm phổi;
  • Tiếng ran nổ khi thở;
  • Đàm nhớt nhiều;
  • Lồng ngực không giãn nở nhiều như bình thường khi hít vào.

Chẩn đoán

Xẹp phổi thường được chẩn đoán dựa vào bệnh sử, triệu chứng, bệnh nền, tiền căn y khoa và thăm khám lâm sàng.

Các kỹ thuật hình ảnh y học cũng hỗ trợ chẩn đoán như: X quang, CT scan hay siêu âm.

Bệnh cũng được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi khí phế quản. Phương pháp này sử dụng một ống nhỏ có gắn camera và đèn đưa vào bên trong thanh quản, khí quản và phế quản để quan sát được bên trong của đường thở.

Điều trị

Các điều trị thường dùng dành cho xẹp phổi bao gồm:

  • Thuốc hít;
  • Các bài tập ho và thở;
  • Máy hỗ trợ hô hấp;
  • Ngồi thẳng;
  • Rời khỏi giường và di chuyển sớm sau khi phẫu thuật.

Phẫu thuật cũng được dùng để điều trị khi cần phải:

  • Loại bỏ dịch;
  • Loại bỏ vật gây tắc nghẽn;
  • Loại bỏ u;
  • Chỉnh sửa các cấu trúc bị khiếm khuyết;
  • Làm phồng các mô bị xẹp.

Các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị xẹp phổi, đặc biệt là sau khi mổ, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc an thần, gây mê tổng quát hay thuốc giãn cơ;
  • Béo phì;
  • Mang thai;
  • Hút thuốc lá;
  • Kiểm soát cơn đau không đúng cách;
  • Các phẫu thuật hay thủ thuật tại lồng ngực và tim phổi;
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ;
  • Các bệnh hô hấp như hen, xơ nang, hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Có một vài biện pháp có thể giúp làm giảm nguy cơ bị xẹp phổi, đặc biệt là sau khi thực hiện phẫu thuật hay thủ thuật y khoa có sử dụng thuốc an thần.

Các cách phòng ngừa xẹp phổi bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng lý tưởng (theo dướng dẫn của bác sĩ);
  • Sử dụng máy hỗ trợ hô hấp;
  • Thực hiện các bài tập thở;
  • Điều trị các bệnh hô hấp hay các bệnh gây cản trở đường thở;
  • Sử dụng các biện pháp giảm đau đúng cách;
  • Ngồi thẳng thay vì nằm.

Tiên lượng

Xẹp phổi thường sẽ khỏi dần theo thời gian và điều trị.

Hầu hết những người bị xẹp phổi do phẫu thuật thường sẽ khỏi sau 24 giờ.

Tuy nhiên nếu như không được chẩn đoán và điều trị thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong:

  • Tụ dịch bên trong phổi, màng phổi, hay lồng ngực;
  • Nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi;
  • Suy hô hấp.

Tiên lượng cho bệnh nhân bị xẹp phổi phụ thuộc vào mức độ của bệnh, nguyên nhân và các bệnh lý nền khác.

Tóm tắt

Xẹp phổi xảy ra khi các phế nang bị xẹp và không thể giãn nở hết mức.

Bệnh thường xảy ra sau khi thực hiện phẫu thuật có gây mê tổng quát hoặc có các bệnh lý gây ảnh hưởng lên phổi hay các cấu trúc và cơ quan xung quanh phổi.

Hầu hết các trường hợp đều khỏi bệnh sau 24 giờ nếu được điều trị đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên nếu như không được điều trị thì xẹp phổi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng trong đó có cả tử vong.

Xem thêm: Viêm phế quản, viêm phổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top