Cần ngăn chặn vi phạm bản quyền sách số

Thứ Năm, 02/12/2021, 15:05

Vi phạm bản quyền sách số (ebook) là một vấn đề nóng khi nền tảng số đang phát triển trong lĩnh vực xuất bản. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nhiều người đã làm ngơ hoặc bỏ qua khiến những vụ việc này không được giải quyết triệt để. Lần này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã lên tiếng mạnh mẽ và sẽ đi đến tận cùng sự việc khi cuốn sách của anh, "Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường" bị công ty Waka xâm phạm bản quyền. Anh nói, đây không chỉ là câu chuyện riêng của cá nhân anh mà của cả một thị trường xuất bản cần sự minh bạch và tôn trọng sở hữu trí tuệ.

Nhập nhèm chuyện bản quyền

Tác giả Nguyễn Quốc Vương cho biết, khi phát hiện cuốn "Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường" được bán dưới dạng ebook trên Waka.vn, anh đã gửi email cho cả hai đơn vị có liên quan là công ty Waka và Zgroup. Trước đó, vào ngày 15/12/2016, anh đã ký hợp đồng bán bản quyền cuốn sách này cho Zgroup - nhãn sách Bão. Hợp đồng này kết thúc vào 15/12/2019.

Theo phản hồi của Waka, tác phẩm này được đối tác là công ty cổ phần Zgroup ký kết theo hợp đồng khai thác tác phẩm vào năm 2018. Đây không phải là điều chưa có tiền lệ trong vấn đề nhập nhằng bản quyền giữa sách giấy và ebook. Trong một số hợp đồng ký kết với tác giả, công ty sách/nhà xuất bản có ghi rõ điều khoản thỏa thuận với tác giả: "Tác giả đồng ý cho nhà xuất bản được quyền khai thác dưới hình thức sách ghi âm (audio Books), sách điện tử (ebook) trên điện thoại di động và các thiết bị cầm tay thông qua mạng viễn thông, internet".

untitled-4.jpg -0
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương.
Theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương, trong hợp đồng ký kết với Zgroup có đề cập đến sách điện tử, nhưng điều kiện đi kèm là phải có thông báo, thỏa thuận chia lợi nhuận bằng văn bản. Nhưng suốt thời gian qua, anh không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc bán bản quyền sách ebook của Zgroup. Như vậy, hành vi của Zgroup rõ ràng không đúng nội dung hợp đồng đã ký kết với tác giả. Trường hợp Waka là bên thứ ba, điều cần thiết ngay trước mắt là đơn vị phải gỡ bản ebook khỏi ứng dụng sách nói Waka.vn. Đồng thời cần có ứng xử đúng với quyền tác giả sau thời gian đã kinh doanh ebook "Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường". Việc trao đổi giữa các bên liên quan, thỏa thuận để đem đến kết quả tốt đẹp hoặc kiện ra tòa, còn phải chờ đến động thái của phía đã có hành vi sai phạm đối với bản quyền tác giả.

Sau khi tác giả Nguyễn Quốc Vương đưa câu chuyện lên mạng xã hội, Zgroup đã ra thông cáo báo chí. Trong đó, đơn vị này cung cấp 3 thông tin quan trọng.

Thứ nhất, hợp đồng cấp quyền kinh doanh của Zgroup cho Waka với cuốn "Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường" có thời hạn 2 năm (7/2018 - 7/2020). Thứ hai, Zgroup chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào của Waka cho tác phẩm này. Và thứ ba, Zgroup cho biết vì họ thiếu nhân sự cho mảng văn học Việt Nam nên mới để xảy ra cơ sự. Trong khi đó, phía Waka cũng lên tiếng phản bác lại một số thông tin của Zgroup. Theo hợp đồng, thời hạn khai thác 3 năm thay vì 2 năm như Zgroup thông tin. Điều này đồng nghĩa, hợp đồng cuốn "Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường" giữa hai đơn vị này đến ngày 16/10/2021 mới hết hạn. Waka cũng cho biết họ đang đề xuất một cuộc họp 3 bên để thống nhất quan điểm.

cuốn sách của tác giả nguyễn quốc vương bị waka vi phạm bản quyền.png -0
Cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương bị Waka vi phạm bản quyền.

"Cần phải thực hiện bảo vệ bản quyền cho các tác giả một cách nghiêm chỉnh thì chúng ta mới hy vọng có một xã hội sáng tạo, có tri thức, nhất là tri thức bản địa. Anh Vương đã kiên quyết đấu tranh với Waka. Đây là một việc làm cần được ủng hộ và cổ vũ vì tương lai của đất nước. Không có bảo vệ bản quyền, không có sở hữu trí tuệ, đất nước sẽ không có trí tuệ" - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành thẳng thắn chia sẻ trên Facebook cá nhân. Dịch giả Vũ Danh Tuấn cũng cho rằng: "Thời trung cổ, người ta mới chỉ dừng ở việc cấm ăn cắp sách mà chưa cấm việc chép lại hoặc sử dụng tác phẩm. Hồi đó các tác giả ức lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn là viết một câu nguyền rủa kẻ ăn cắp chất xám của mình ở cuối cuốn sách. Và các câu nguyền thường rất kinh khủng. Vi phạm tác quyền, theo tôi còn tệ hơn cả ăn cắp, bởi lẽ kẻ cắp có khi đói quá hoặc cực chẳng đã phải ra tay. Đằng này thì...".

Cần minh bạch bản quyền sách số

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, thị trường xuất bản Việt Nam rất cần sự minh bạch và tôn trọng bản quyền, có như vậy, việc khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc mới thực sự có ý nghĩa. Có một thực tế là hiện nay, chưa có nhiều nhà xuất bản quan tâm đến mảng sách số, tham gia lĩnh vực này chủ yếu là khối tư nhân.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành trong những năm gần đây, số lượng ebook bản quyền được đăng ký lưu chiểu xuất bản chiếm chưa đến 10% so với tỷ lệ sách xuất bản truyền thống. Vấn đề đặt ra với ngành xuất bản đó là làm sao khắc phục tình trạng này và minh bạch thị trường sách số. Đây là một xu hướng tất yếu của tương lai trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, ebook, audio book cũng như các ấn phẩm dưới dạng số hóa càng được nhiều người đón đọc vì tiện lợi.

Ở các nước phát triển, tỷ lệ xuất bản sách điện tử đang tăng từng ngày và chiếm một thị phần quan trọng trong ngành xuất bản. Ở Việt Nam hiện nay, đã có những đơn vị xuất bản quan tâm đến sách số như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Phương Nam book... Họ đón đầu xu hướng xuất bản hàng chục năm nay, tuy nhiên, hiện nay thị trường này còn chưa sôi động. Bên cạnh đó, có những công ty chuyên phát hành ebook như Waka, Alezza, Lạc Việt...

Điều đáng quan tâm hiện nay chính là vấn đề bản quyền trên thị trường sách số hay nói cách khác, mảng sách số đứng trước nhiều thách thức, nhất là nạn xâm phạm bản quyền. Điều này cũng không có gì lạ ở Việt Nam, bởi ngay cả phiên bản sách in với những tựa sách hot trên đường tới nhà in đã bị làm giả rồi. Nạn sách giả, sách lậu lâu nay vẫn hoành hành trên thị trường xuất bản Việt Nam một cách ngang nhiên. Vì thế, ebook, rất dễ làm và phổ biến trên thị trường số nhờ các thiết bị điện tử, việc vi phạm bản quyền càng phổ biến hơn.

Chị Mai, Công ty sách phương Đông cho rằng, chỉ cần gõ tìm kiếm tên một cuốn sách nào đó trên google hoặc ứng dụng CH Play trên điện thoại, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy và tải về hàng loạt ebook miễn phí. Thậm chí nhiều người có thói quen xài chùa bản ebook và mặc nhiên coi đó là miễn phí. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người làm ebook chân chính và việc sử dụng, chia sẻ ebook miễn phí khiến cho thị trường của những đơn vị làm ebook bản quyền bị thu hẹp. Một đại diện của công ty Alphabook từng chia sẻ, nếu năm 2011, 2012 có 1 cuốn sách của Alphabook bị sao chép trên mạng 40 bản thì hiện nay, 100% sách điện tử của Alphabook phát hành trên hệ thống bị các đơn vị làm lậu lại.

Theo Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ, chúng ta đã có những khung hình phạt cụ thể khi vi phạm bản quyền. Nhưng đến nay, vấn đề bản quyền, đặc biệt bản quyền sách số vẫn chưa được quan tâm. "Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất bản Việt Nam khi làm việc với các nước trong giao dịch mua bán bản quyền. Các đối tác sẽ ngần ngại bán bản quyền cho Việt Nam khi họ biết các thông tin vi phạm bản quyền không được xử lý. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc và cơ hội tiếp cận với sách nước ngoài của Việt Nam", một biên tập viên chia sẻ.

Dù khó nhưng rõ ràng, việc vi phạm bản quyền, dù là sách giấy hay sách số, sách nói đều cần phải xử phạt nghiêm minh. Luật đã có, vấn đề là thực thi luật như thế nào. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng: "Chúng ta không thiếu chế tài, pháp luật đầy đủ. Có điều nếu ý thức của mọi người về bản quyền yếu, lơ là, không quan tâm, không có thái độ cứng rắn, mạnh mẽ thì pháp luật không được thực thi và những kẻ vi phạm sẽ coi thường pháp luật, coi thường tác giả".

Một xã hội phát triển là một xã hội biết tôn trọng bản quyền, trân quý tri thức. Chỉ khi chúng ta tường minh những giá trị đó, chúng ta mới có thể đi xa trên con đường phát triển văn hóa và xây dựng một cộng đồng văn minh.

Bảo Linh
.
.